Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

ĐỪNG TƯỞNG

ĐỪNG TƯỞNG
Đừng tưởng cứ giàu là sang
Cứ im lặng tưởng là vàng đến ngay

Đừng tưởng nốc rượu là say
Cứ hứa là thật, cứ tay là cầm

Đừng tưởng giặc ở ngoại xâm
Cứ bè là bạn, cứ dân là lành

Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ đất và nước là thành quê hương


Đừng tưởng cứ lớn là khôn
Cứ bé là dại, cứ hôn... là chồng

Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà

Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người

Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi

Đừng tưởng gần nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn

Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường

Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ xấu là ghét, cứ vương là tình

Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền

Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ bên là gần

Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ

Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh

Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ tranh là được, cứ giành thì hơn

Đừng tưởng giàu hết cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo

Đừng tưởng giàu hết cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo

...

Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua

Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền

Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay

Đừng tưởng cứ rượu là say
Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều...

Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư

Đừng tưởng cứ nhận được thư
Là bao say đắm như mưa trong nhà

Đừng tưởng cứ quét lá đa
Là đời khổ cực can qua một thời...

Đừng tưởng chữ họa là tranh
Họa đây là họa thơ mình với nhau

Đừng tưởng cứ quét lá đa
Là đời khổ cực can qua một thời

...

Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người

Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa

Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ...

Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè

Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn

Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.

Đừng tưởng cứ thích là yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng ha

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

TÀI

Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi

Dở duyên với rượu khôn từ chén

Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời

Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó

Đàn còn phiếm trúc tính tình đây

Ai say, ai tỉnh, ai thua được

Ta mặc ta mà ai mặc ai

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

BÀI HỌC NGÀN VÀNG

Ngày xửa ngày xưa ở vương quốc nọ có một đức vua trên đường vi hành tình cờ đã nghe được từ một ông lão rao bán rằng: “Có một bài học đáng giá nghìn vàng”, ai bỏ ra một ngàn lượng vàng thì ông ta sẽ bán cho cái đạo lý đó…Nhiều người nghe thấy lạ thì tò mò đi theo dò hỏi, tuy nhiên gạn hỏi thế nào ông lão cũng chỉ nói: Ai trả đủ một ngàn lượng vàng thì kẻ đó mới được biết bí mật của “bài học”. Bởi vậy nhiều người cho là lão bị điên vì họ nghĩ chẳng có bài học nào đắt đến như vậy.

Ngày ngày ông lão cần mẫn đi như một người bán rong và rồi tiếng rao của lão cũng đến tai nhà vua. Vua ngạc nhiên vội cho cận thân theo dõi, và được mật báo rằng ông lão có hành tung như một vị hiền triết – cốt cách khoan thai, đời sống chuẩn mực, đàng hoàng, lời ăn tiếng nói không thừa một chữ, biểu hiện của người siêu phàm, thoát tục…

Nhà vua cả mừng bèn giả dạng thường dân đến gặp và hỏi ông lão rằng bài học gì mà lão rao bán đến một nghìn lượng vàng? Ông lão nói: Đây là bài học mà có thể làm cho người ta thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời, vượt qua khỏi những lầm lỗi và có thể đạt tới tột đỉnh vinh quang…

Nghe xong, nhà vua vẫn còn bán tín bán nghi nên bỏ về, nhưng lòng cứ ray rứt bởi sức hấp dẫn của ý nghĩa bí ẩn của bài học đáng giá ngàn vàng ấy. Rồi nhà vua quyết định mở ngân khố lấy ra một nghìn lượng vàng rồi hạ chỉ mời ông lão vào hoàng cung. Ông lão cả mừng vì nhận ra đức vua chính là người hôm trước đã gặp và hỏi lão về bí mật của bài học đáng già ngàn vàng. Vua nói: Ta chấp nhận hoặc bị lừa mất một nghìn lượng vàng hoặc thật sự sẽ được một bài học vô giá.

Nói đoạn, nhà vua truyền cho quan Thủ ngân chất đủ một ngàn lượng vàng trước mặt ông lão. Nhân đủ số vàng, ông lão cung kính dâng lên đức vua một vuông lụa viết vỏn vẹn 10 chữ: “Phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hậu quả của nó”.

Đọc xong 10 chữ ấy, đức vua có cảm giác như mình đã bị lừa, nhưng lời vua nặng tựa Thái Sơn, nên không kịp rút lại, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Còn ông lão thì lặng lẽ chất vàng vào túi vải, cung kính vái tạ vua rồi rời khỏi kinh thành.

Từ đó nhà vua cứ bị ám ảnh bởi 10 chữ: “phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả” và nếu nhà vua chỉ mua câu nói này với một lượng vàng thì chắc hẳn Người đã quên bài học này từ lâu. Nhưng đằng này, mỗi chữ trị giá tới 100 lạng vàng. Nghĩ vậy, đức vua vừa tức giận, vừa tiếc công quỹ và câu nói nặng ngàn vàng đó đã nhập vào tâm nhà vua tự bao giờ để rồi mỗi khi nhà vua làm việc gì đều suy nghĩ đến hậu quả của nó.

Từ khi đức vua mua “bài học ngàn vàng” thì cả triều đình nhận ra nhà vua thay đổi từng ngày. Đức vua trầm tĩnh hơn, khôn ngoan hơn, công tư phân minh, phân định mọi việc sáng suốt, ngồi trên ngai vàng trong hoàng cung mà đoán định tình hình ở biên cương như thần.Nhờ vậy mà nhân cách nhà vua được tu chỉnh, đức vua không còn là một Vương tầm thường kế vị ngai vàng, thích hưởng thụ như ngày xưa mà giờ đây làm việc gì Người cũng suy nghĩ cho dân, cho nước…. Đất nước từ đó bắt đầu cường thịnh.

Thần dân thì mừng vui vì đời sống được an lành, thịnh vượng. Nhưng chính nhà vua lại không nhận ra điều đó, ông chỉ bị ám ảnh bởi bài học ngàn vàng và luôn lẩm bẩm: Phàm làm việc gì cũng phải suy nghĩ đến hậu quả của nó!

Ba Tỉnh st & gt