Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

Năng lực, phẩm chất (tài, đức) của người lãnh đạo

1. Năng lực (tức là tài) là yếu tố quan trọng của cán bộ lãnh đạo và quản lý. Năng lực biểu hiện tổng hợp các khả năng tiếp thu và tích luỹ kiến thức, thông tin, có khả năng chọn lọc, xử lý thông tin, vận dụng vào thực tiễn, có khả năng thích nghi với sự thay đổi kể cả những lúc khó khăn. Do đó, năng lực chiếm vị trí quan trọng đặc biệt, bởi nó quyết định giá trị đích thực của người cán bộ lãnh đạo và quản lý với tư cách là một chủ thể tác động vào tự nhiên và xã hội có làm thay đổi được sự phát triển của hệ thống hay không.
Năng lực bao gồm năng lực tái tạo và năng lực sáng tạo. Nó được tạo nên do vốn tri thức, khả năng tư duy và hoạt động của trí tuệ. Nguồn gốc của năng lực chủ yếu thông qua học tập, lao động và rèn luyện trong cuộc sống là động và một phần do thừa kế và di truyền bẩm sinh.
Năng lực tài năng trong một lĩnh vực nào đó được phát triển ở trình độ cao. Khi đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo và quản lý, chủ yếu phải dựa vào kết quả công việc, đồng thời phải xét đến các yếu tố khác như phương thức hoàn thành công việc, tính độc lập và tính sáng tạo của họ.
2. Phẩm chất (tức là đức) là yếu tố không thể thiếu được của cán bộ lãnh đạo và quản lý. Phẩm chất là biểu hiện những đặc tính quý báu được thể hiện trong cuộc sống trong sạch và lành mạnh, mẫu mực, chống lại sự bất công, phấn đấu cho sự công bằng, văn minh. Công bằng không phải là bình quân dàn đều mà là biết giải quyết mối quan hệ lợi ích của mọi người, thực hiện cho được những công việc vì lợi ích của xã hội và lợi ích của tập thể.
Phẩm chất còn được thể hiện ở chỗ không dùng uy lực, áp chế, chà đạp người khác để nâng mình lên; không lợi dụng chức quyền để thu vén cá nhân như tham ô, móc ngoặc, hối lộ, nịnh hót cấp trên, trù dập cấp dưới.
Phẩm chất còn thể hiện ở lòng trung thực, thật thà và lương thiện có tình thương và lòng nhân hậu, có tâm đức đúng như Nguyễn Du đã nêu: Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Mối quan hệ giữa năng lực và phẩm chất
Quan điểm của Đảng và Bác Hồ đã từng nhấn mạnh người cán bộ lãnh đạo và quản lý phải có 2 mặt: Đức và Tài nghĩa là thông thạo chuyên môn và phải có một trình độ quản lý nhất định. Về Đức, Bác Hồ đã nói” “Người cách mạng phải có đạo đức tài mấy cũng không lãnh đạo nhân dân”. Về tài, Bác Hồ nhấn mạnh “tài” một cách cụ thể “Ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn của ngành ấy, những người bất lực thì phải cách chức đi, tìm người khác thay vào”.
Đức và tài có nghĩa là nói tới phẩm chất và năng lực. Đó là hai mặt của tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo và quản lý, chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ta có thể biểu diễn mối quan hệ tài đức như hình sau:


Người quản lý phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về đạo đức(đ) và về tài năng (t) mới có khả năng đảm nhận một nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý nào đó, ở những vị trí công tác nhất định như chức vụ, cấp bậc, trách nhiệm công tác càng cao thì yêu cầu về đức độ và tài năng càng phải được nâng cao. Vì sự phát triển đạo đức của con người chỉ có giới hạn, còn sự phát triển của tài năng là vô hạn. Cho nên cán bộ lãnh đạo và quản lý giữ chức vụ càng cao thì phải yêu cầu về tài năng càng phải được nâng cao bằng học tập (đường cong học tập)

Không có nhận xét nào: